Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu
Xuất khẩu quý I/2024 đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng của nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tổng cầu thế giới quý I/2024 duy trì xu hướng phục hồi từ quý IV/2023. Ở trong nước, một số doanh nghiệp (DN) dẫn đầu về hoạt động xuất khẩu như Samsung, Intel… đặt kế hoạch sản xuất năm 2024 tăng trưởng dương. Những yếu tố đầu vào như nguyên, nhiên liệu gia tăng cho thấy sự phục hồi hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Đơn hàng chưa dồi dào, chi phí cao
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận xét DN Việt Nam sau thời gian rất khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nay đã chủ động, đa dạng và chắt chiu đơn hàng hơn trước. Các DN cũng đã quan tâm hơn đến việc chuyển đổi số và xanh hóa để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và EU. “Chúng tôi theo dõi và thấy DN các nước, trong đó có Việt Nam đã có sức chống chịu và thích ứng tốt với rủi ro địa chính trị thời gian vừa qua. Đơn cử, khi xung đột xảy ra ở Trung Đông hoặc khu vực biển Đỏ thì lập tức rất nhiều chuyến vận tải hàng hóa, dịch vụ đã chuyển sang đi vòng qua mũi Hảo Vọng. Lượng hàng hóa lưu thông qua mũi Hảo Vọng hiện đã tăng gấp đôi, bù cho sự suy giảm hàng hóa qua biển Đỏ. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là chi phí vận tải tăng lên, phí bảo hiểm, nhân công cũng tăng trong khi thời gian giao hàng chậm gấp 1,5 lần so với trước” – ông Lực thông tin.
Để ứng phó với những biến động khó lường thời gian tới, chuyên gia này cho rằng một mặt, DN phải thích ứng; mặt khác, các cơ quan quản lý cung cấp thêm thông tin, dự báo về thị trường để DN chủ động hơn. “DN đã đa dạng hóa thị trường, đối tác, kể cả các đối tác trong lĩnh vực vận tải cũng cần quan tâm hơn lĩnh vực lưu trữ hàng hóa, phải có những kho hàng để tích trữ, lưu kho hàng hóa để chủ động các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc hỗ trợ tốt hơn nữa của các cơ quan đại sứ quán, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và các hiệp hội ngành nghề để thông tin cho DN, giúp DN giảm thiểu rủi ro về pháp lý, bảo hộ thương mại đã và đang gia tăng” – TS Lực nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), xuất khẩu quý I/2024 dù đã khởi sắc hơn trước rất nhiều nhưng một số ngành, DN vẫn trong tình trạng khan hiếm đơn hàng do bị mất thị trường truyền thống và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Những ngành hàng thâm dụng lao động như da giày, dệt may vẫn chưa có đủ đơn hàng trung, dài hạn nên chưa thể ổn định sản xuất – kinh doanh. Do đơn hàng thiếu và bị cạnh tranh gay gắt về giá nên nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Để thích ứng, nhiều DN chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu.
Ngoài ra, thể chế kinh tế còn nhiều rào cản, cải cách thủ tục hành chính chưa đạt kỳ vọng và một số vấn đề pháp lý chưa rõ ràng… đang là rào cản đối với cộng đồng DN.
Với ngành thủy sản, xuất khẩu quý I/2024 đạt gần 2 tỉ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thị trường đã có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, đặc biệt là thị trường Mỹ với mức tăng trưởng 16%. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, tôm Việt Nam đang vướng vào vụ kiện chống trợ cấp ở thị trường Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đã công bố mức thuế sơ bộ vụ kiện này là 2,84%. Mức thuế này dù thấp hơn so với ngành tôm Ấn Độ và Ecuador nhưng vẫn là lực cản không nhỏ. “Hy vọng thời gian sắp tới, DOC qua Việt Nam phúc thẩm, nếu mức thuế này giảm dưới 2% thì vụ kiện có thể bị hủy bỏ” – ông Lực nói.
Với thị trường Nhật Bản, hiện nay các DN đang bị vướng chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline. Đây là chất không bị cấm tại Việt Nam và nhiều nước trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, quy định mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của thị trường Nhật Bản là 10 ppb trong khi EU, Trung Quốc, New Zealand cho phép chỉ tiêu này lên 100 ppb. Các DN kiến nghị cần đàm phán với phía Nhật để đưa MRL Doxycycline về tương tự các thị trường khác.
Còn tại thị trường Hàn Quốc, dù tăng trưởng cao nhờ Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc – Việt Nam (KVFTA) nhưng hiện các nhà nhập khẩu tôm nước này không có động lực tăng mua từ Việt Nam vì vướng hạn ngạch. Hàn Quốc chỉ đưa thuế về 0% với 15.000 tấn tôm Việt Nam, phần vượt phải đóng thuế 20% nên nhà nhập khẩu nước này ưu tiên tăng mua tôm từ Peru vì không cần hạn ngạch.
Rào cản về vốn
Một rào cản không nhỏ với các DN xuất khẩu là câu chuyện vốn. Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, cho biết DN đang vay vốn 6 tháng tiền VNĐ với lãi suất chỉ 4,5%-5%/năm – là mức lãi suất thấp nhất mà ông từng thấy trong hàng chục năm qua. “Tuy vậy, chỉ những DN lớn như Long Sơn mới có điều kiện vay vốn với lãi suất rẻ, các DN vừa và nhỏ sẽ không được như vậy. Chúng tôi phải trải qua quá trình mua bán, sáp nhập để nâng quy mô, tối ưu hóa việc quản trị. Do vậy, nhà nước cần tạo điều kiện để các DN nâng quy mô để đủ tiềm lực, khả năng cạnh tranh, từ đó tiếp cận được nguồn vốn rẻ” – ông Sơn nói.
Với ngành cà phê, tình hình vốn còn căng thẳng hơn. Chỉ sau nửa năm, giá cà phê nguyên liệu đã tăng hơn gấp 2 lần và đang tiến đến ngưỡng 130.000 đồng/kg khiến nhiều DN bị thiếu vốn để kinh doanh. Vừa qua, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã kiến nghị các ngân hàng tăng hạn mức cho vay và ưu tiên lãi suất cho các DN kinh doanh xuất khẩu cà phê ngay đầu vụ thu hoạch để ổn định nguồn hàng.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Cà phê Napoli, nói rằng thị trường cà phê xuất khẩu đang tốt, người mua nhiều hơn người bán. Dù vậy, để tăng biên độ lợi nhuận, các DN bắt buộc phải tham gia vào chế biến sâu cà phê vì mặt bằng giá cà phê nguyên liệu tương lai sẽ ở mức cao. “Tuy vậy, làm gì cũng cần phải có vốn. Trong ngành cà phê, vốn yếu là thất bại. DN nào có vốn lớn dự trữ hàng sẽ lãi lớn. Do đó, các DN hiện nay rất cần nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng” – ông Hưng bày tỏ.
Đối với ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết thiếu vốn cũng là vấn đề lớn của DN. “Năm qua, xuất khẩu sầu riêng đạt giá trị cao nhưng nhiều DN Việt Nam thua lỗ vì phải mua nguyên liệu giá cao để trả hợp đồng giá thấp” – ông Nguyên giải thích. Sở dĩ có tình trạng này là do một số thương nhân Trung Quốc mạnh về vốn, am hiểu thị trường sang tận Việt Nam để mua hàng dưới hình thức nhờ người Việt đứng tên. Điều này khiến nhiều DN Việt không thể xuất khẩu trực tiếp được mà chỉ có thể làm gia công cho thương nhân Trung Quốc và hưởng lợi nhuận ít ỏi.
Chưa được ngân hàng hỗ trợ triệt để
Ông Nguyễn Phước Hưng dẫn kết quả khảo sát DN quý I/2024 cho thấy nhiều DN phản ánh vẫn chưa được ngân hàng hỗ trợ triệt để. Điển hình là lãi suất tiền gửi đã về mức rất thấp, chỉ 4%/năm nhưng nhiều khoản vay cũ của DN vẫn chưa giảm về dưới 10%. Một số quy định về cho vay, thế chấp khoản vay và định giá tài sản thế chấp quá chặt chẽ khiến DN khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Kết quả là nhiều DN vẫn đang chật vật xoay xở dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh. “Cũng theo khảo sát của HUBA, có 43,3% DN kiến nghị thành phố hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi vay; 60% DN kiến nghị đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng; 45,6% DN kiến nghị giảm các loại thuế, phí…” – ông Hưng cho biết.