31/08/2024
Nhóm hàng được quốc gia đông dân nhất thế giới nhập khẩu rất mạnh từ Việt Nam
Số liệu từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 8,67 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 5,37 tỷ USD, tăng trưởng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu xuất khẩu, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch đạt 1,15 tỷ USD, tăng mạnh 102%, chiếm 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ hai với kim ngạch 945 triệu USD, chiếm 17,5% tỷ trọng. Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với kim ngạch đạt 507 triệu USD, chiếm 9,4% tỷ trọng.
Một số nhóm ngành xuất khẩu khác của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 cũng có mức tăng trưởng rất mạnh. Hạt tiêu tăng 87,5% (đạt 38,5 triệu USD), sản phẩm từ chất dẻo tăng 75%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 65,7%.
Thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 57,2%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 56,6%, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 55,3%, cao su tăng 42,9%, sản phẩm gốm sứ tăng 27%, hạt điều tăng 25,5%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 16,6%.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ trong giai đoạn này chỉ đạt 3,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm tỷ trọng 1,55% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam ghi nhận xuất siêu 2,06 tỷ USD với Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2024, tăng mạnh 101,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian qua, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ liên tục tăng. Từ mức chỉ khoảng 200 triệu USD vào năm 2000, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đã đạt mốc 15 tỷ USD vào năm 2022. Với kết quả này, Ấn Độ trở thành một trong tám đối tác thương mại chính của Việt Nam. Tại Nam Á, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này.
Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu và thành phẩm thiết yếu cho Việt Nam, bao gồm sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, và thủy sản. Ngược lại, Việt Nam tập trung xuất khẩu các sản phẩm như máy tính cá nhân, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu… sang thị trường Ấn Độ.
Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã đạt 14,36 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022, chiếm hơn 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,08 tỷ USD.
Trong 7 tháng năm 2024 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 70,8%).
Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 5 tỷ USD, gồm: Điện tử, máy tính và linh kiện; Điện thoại và linh kiện; Máy móc thiết bị, dụng cụ PT khác; Dệt, may; Giày dép; Gỗ và sản phẩm gỗ; Phương tiện vận tải và phụ tùng; Sắt thép; Thủy sản.