Đóng

Bản tin HLA

03/11/2022

Kinh tế TP.HCM 10 tháng năm 2022: Các lĩnh vực tăng trưởng khả quan

Kinh tế TP.HCM tháng đầu tiên của quý 4/2022 ghi nhận không có biến động nhiều, cơ bản ổn định và đang nỗ lực vào những tháng còn lại của năm nhằm bảo đảm đáp ứng và đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra…

Kinh tế TP.HCM tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Các số liệu báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu,… không có biến động lớn, các chỉ số có sự tăng/giảm nhẹ.

CPI TĂNG THẤP HƠN MỨC TRUNG BÌNH CỦA CẢ NƯỚC

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tiếp tục xu xướng tăng với mức tăng 0,45%, cao hơn 0,15 điểm phần trăm so mức tăng tháng 9; trong đó có 3/11 nhóm hàng giảm với nhóm giao thông tiếp tục giảm nhiều nhất (-1,89%); 8/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước với nhóm giáo dục tăng cao nhất (+4,95%).

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31% (tháng trước tăng 0,23%); trong đó nhóm lương thực tăng 0,28% (tháng trước tăng 0,04) với giá gạo tăng 0,10% (tháng trước giảm 0,10%), lương thực chế biến tăng 0,88% (tháng trước tăng 0,48%).

Nhóm thực phẩm tăng 0,17%. Bao gồm, thịt gia súc giảm 0,26%; trứng các loại giảm 0,42%; thịt gia cầm giảm 0,47%; giá dầu mỡ ăn tăng 0,54%; thủy sản tươi sống tăng 0,22%; rau quả các loại tăng 0,95% (hai mặt hàng này chịu ảnh hưởng của thời tiết mưa bão trong tháng).

Các nhóm như nhóm giao thông giảm 1,89%, chủ yếu là do nhóm nhiên liệu giảm 5,25% (xăng giảm 6,14%); dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,09%. Nhóm giáo dục tăng 4,95%, trong đó đồ dùng học tập tăng 0,25%; dịch vụ giáo dục tăng 5,29%.

So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 10/2022 tăng 3,65% với 11/11 nhóm hàng tăng giá và nhà ở là nhóm tăng cao nhất với mức tăng là 6,98%; tiếp theo là nhóm giáo dục tăng 6,08%. Bình quân 10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,32% so cùng kỳ.

Về lĩnh vực thương mại và dịch vụ, ghi nhận trong tháng 10/2022 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn duy trì mức tăng nhẹ (+1,4%).

Nhận định về kết quả này, Cục Thống kê TP.HCM cho rằng nhu cầu hàng hóa và giá cả không có nhiều biến động, trong khi doanh thu các dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch lữ hành tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 9/2022 do kỳ nghỉ hè đã hết và thời tiết đã chuyển sang mùa mưa bão.

Thương mại, dịch vụ trong tháng 10/2022 vẫn duy trì ở mức tăng nhẹ với (+1,4%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2022 ước đạt 94.933 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước. Bao gồm: Doanh thu thương mại tăng 1,6%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 7,1%; dịch vụ du lịch lữ hành giảm 15,4%; dịch vụ khác tăng 3,5%) và tăng 78,7% so với cùng kỳ. Ước tính chung 10 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ, tăng cao ở tất cả các ngành.

Tính riêng  doanh thu bán lẻ hàng hóa, tháng 10 ước đạt 53.403 tỷ đồng, chiếm 56,3% trong tổng mức, tăng 1,6% so với tháng 9. Cụ thể, ghi nhận diễn biến ở một số nhóm ngành hàng có tỷ trọng lớn như sau

Nhóm lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng 18,7%, tăng 1,4%; nhóm hàng đồ dùng thiết bị gia đình chiếm tỷ trọng 12,3%, tăng 4,5%; ô tô và phương tiện đi lại (gồm cả sửa chữa) chiếm tỷ trọng 16,7%, tăng 0,4%; xăng dầu và nhiên liệu khác chiếm tỷ trọng 9,4%, tăng 1,7%; hàng may mặc chiếm 7,5%, tăng 1,5%; hàng hóa khác còn lại tăng 1,0%.

Tính chung 10 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 519.175 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ, với nhiều nhóm hàng tăng cao như nhóm hàng vật phẩm văn hóa giáo dục (+55,7%); nhóm hàng xăng dầu (+36,4%); nhóm hàng may mặc (+41,5%); nhóm hàng ô tô (+24,9%); nhóm hàng lương thực thực phẩm (+12,7%).

XUẤT KHẨU TIẾP TỤC LÀ ĐIỂM SÁNG

TP.HCM ghi nhận “điểm sáng” trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 4.137,5 triệu USD, tăng 6,2% so với tháng trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 3.982,0 triệu USD, tăng 5,9%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng Thành phố (gồm cả dầu thô) trong tháng 10/2022 đạt 3.543,2 triệu USD, tăng 1,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 216,1 triệu USD, tăng 17,8%; khu vực kinh tế tư nhân đạt 1.033,6 triệu USD, tăng 7,2%; khu vực FDI đạt 2.293,5 triệu USD, giảm 2,2%.

Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 40.836,9 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 38.987,5 triệu USD, tăng 12,7%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng của Thành phố bao gồm cả dầu thô, trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 35.984,3 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Bao gồm: Khu vực kinh tế nhà nước đạt 2.384,2 triệu USD, tăng 25,7%; khu vực tư nhân đạt 11.070,8 triệu USD, tăng 18,0%; khu vực FDI đạt 22.529,4 triệu USD, tăng 5,3%.

Kim ngạch và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường chủ lực.
Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM.

Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, đứng đầu là nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt 25.456,6 triệu USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 74,6%.

Trong đó, nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu đạt 13.877,6 triệu USD, tăng 1,9%; nhóm dệt, may có giá trị xuất khẩu đạt 3.765,6 triệu USD, tăng 42,7%; nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác có giá trị xuất khẩu đạt 2.268,7 triệu USD, tăng 33,5%.

Kế đến là nhóm hàng nông sản với giá trị xuất khẩu đạt 3.568,7 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ và chiếm 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng hóa khác có giá trị xuất khẩu đạt 3.243,4 triệu USD, giảm 24,1% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 10,0%.

Nhóm hàng thủy hải sản đứng thứ tư với giá trị xuất khẩu đạt 1.111,3 triệu USD, tăng 69,7% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 3,3%. Nhóm hàng lâm sản chiếm tỷ trọng khiêm tốn 1,6% và có giá trị xuất khẩu đạt 559,0 triệu USD, tăng 4,4% so cùng kỳ.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp TP.HCM với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 8.232,6 triệu USD, tăng 7,3% so cùng kỳ và chiếm 22,9% tỷ trọng xuất khẩu.

Thứ hai là thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 6.321,2 triệu USD, tăng 19,9%, chiếm 17,6%. Thứ ba là thị trường Nhật Bản với kim ngạchh đạt 2.424,6 triệu USD, tăng 24,0%, chiếm 6,7%. Thị trường giữ vị trí thứ bốn là Hong Kong với kim ngạch đạt 2.295,1 triệu USD, giảm 30,3%, chiếm 6,4%.

Riêng với thị trường Liên hiệp Châu Âu (EU), giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp TP.HCM đạt 4.943,6 triệu USD, tăng 19,7%, chiếm 13,7%.

Đánh giá chung, Cục Thống kê TP.HCM cho rằng trong khi hầu hết các quốc gia đang gặp khó khăn do xung đột Nga – Ukraine và tình hình lạm phát thì hoạt động xuất khẩu TP.HCM vẫn đạt được những bước tăng trưởng ấn tượng.

Theo VnEconomy

Chia sẻ: